Nguyên tắc ẩm thực giúp phòng bệnh dạ dày: Chỉ cần ăn món ngon giá rẻ này mỗi sáng
Có một thực trạng khó tin là khi đời sống của chúng ta ngày càng được cải thiện thì tình trạng dạ dày của đại đa số người đang theo chiều hướng tỉ lệ nghịch với sự đi lên của chất lượng cuộc sống.
Tại Trung Quốc - đất nước đông dân nhất thế giới, số liệu thống kê cho thấy có tới 120 triệu người trên 1,3 tỷ dân đang mắc các bệnh lý về dạ dày, trong đó có tới 70% bệnh nhân trung niên và cao tuổi.
Trong 120 triệu ca bệnh kể trên, 10% trong số họ là mắc bệnh viêm loét dạ dày, 30% là viêm dạ dày mạn tính. Những con số này đã đưa Trung Quốc đứng đầu bảng trong số những quốc gia có số người mắc bệnh dạ dày cao nhất thế giới.
Thế nhưng, cuộc sống bận rộn với nhịp sống hối hả khiến hầu hết chúng ta rất ít có thời gian chăm sóc dạ dày của mình.
Trên thực tế, việc bảo vệ dạ dày không quá khó khăn và cầu kỳ như chúng ta vẫn nghĩ. Chỉ cần làm tốt những việc dưới đây, dạ dày cũng như hệ tiêu hóa của bạn sẽ luôn khỏe mạnh.
1. Cải thiện thói quen ăn uống
Để dạ dày luôn khỏe mạnh, chú ý đến thói quen ăn uống là một điều không thể xem nhẹ.
Các chuyên gia tiêu hóa kiến nghị mọi người nên ăn uống đúng giờ để hệ tiêu hóa vận hành có quy luật. Đồng thời, mọi người nên chú ý ăn chậm, nhai kỹ, nuốt từ từ để hạn chế gánh nặng lên cơ quan này.
Chưa dừng lại ở đó, các chuyên gia cũng khuyên chúng ta cần chú ý tới nhiệt độ của đồ ăn, tránh ăn đồ quá nóng hoặc quá nguội. Đặc biệt, các món chiên rán, cay nóng hoặc thực phẩm chế biến sẵn nên ăn ít hoặc không ăn.
Khi ăn đúng giờ, hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn, cơ thể dung nạp chất dinh dưỡng tốt hơn. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
2. Duy trì tâm trạng lạc quan
Dạ dày của chúng ta đặc biệt nhạy cảm với những cảm xúc tiêu cực như lo âu, buồn rầu, tức giận,... Chưa dừng lại ở đó, tình trạng lao lực quá độ sẽ làm công năng của cơ quan này bị suy giảm và gây ra bệnh lý.
Dạ dày và tâm trạng có mối quan hệ đặc biệt mật thiết. Vì vậy, nếu muốn bảo vệ cơ quan này, bạn nên giữ cho tinh thần ổn định, duy trì những cảm xúc tích cực, tránh nổi giận, lo lắng, hạn chế lao lực quá sức.
3. Thường xuyên chú ý tới tình trạng của dạ dày
Đối với người đã có tiền sử mắc bệnh dạ dày, họ luôn cần đem thuốc bên mình và chớ nên bỏ qua dù chỉ là một triệu chứng bất thường tương đối nhỏ.
Nếu xuất hiện các dấu hiệu như dạ dày trướng đau, buồn nôn, nôn mửa,… bạn có thể sử dụng các loại thuốc Đông y có chứa những thành phần như bạch thược, cam thảo, phục linh để giúp tán ứ, giảm đau, bảo vệ dạ dày.
Quan trọng hơn cả là cần tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ và nội soi dạ dày nên được duy trì đều đặn.
Kiểm tra dạ dày định kỳ sẽ giúp bạn nắm rõ tình trạng sức khỏe của cơ quan này, đồng thời phát hiện sớm và điều trị bệnh lý kịp thời nếu có. (Hình minh họa: Nguồn Internet).
4. Vận động cũng cần vừa phải
Rèn luyện cơ thể là một trong những yếu tố rất quan trọng. Luyện tập điều độ sẽ giúp bạn có được hệ tiêu hóa khỏe mạnh, đồng thời còn nâng cao sức miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Tuy nhiên, vận động cần đặc biệt chú ý tần suất và cường độ vừa phải, cũng cần lựa chọn không gian, thời gian hợp lý để tránh khiến cơ thể bị rơi vào trạng thái kiệt quệ quá sức.
Nguyên tắc ăn uống giúp dạ dày luôn khỏe mạnh
Chế độ ăn uống với tình trạng của dạ dày cũng liên quan hết sức mật thiết. Muốn bảo vệ cơ quan này một cách toàn diện, thực đơn hằng ngày của bạn cần chú ý 4 điểm dưới đây.
Thứ nhất, sáng sớm không đụng tới đồ lạnh
Lựa chọn thích hợp nhất cho bữa sáng là ăn một bát cháo nóng. Bởi đây là một loại thực phẩm thanh đạm, dễ tiêu hóa, ít gây kích thích và không tạo gánh nặng cho dạ dày.
Chuyên gia tiêu hóa kiến nghị, món cháo có thể thêm các thức ăn kèm như đậu phộng, hạnh nhân để gia tăng hàm lượng dinh dưỡng.
Trên thực tế, có không ít người thường lựa chọn đồ ăn sẵn được bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng cho bữa sáng. Tuy nhiên, lựa chọn này chẳng khác nào "xát muối vào vết thương" đối với dạ dày của chúng ta.
Nguyên nhân là bởi khi chúng ta vừa ngủ dậy, các cơ quan bên trong còn chưa kịp "tỉnh ngủ". Vào lúc này, nếu đột nhiên ăn hoặc uống đồ lạnh sẽ khiến máu khó lưu thông và làm dạ dày bị kích thích.
Vì vậy, buổi sáng không nên ăn hoặc uống đồ lạnh. Những loại thức uống như cafe đá, nước ngọt để lạnh cũng đặc biệt cần hạn chế.
Nhìn từ góc độ Trung y, bữa sáng cần chú trọng bồi bổ "vị khí". Những loại đồ uống như sữa bò ấm, sữa đậu nành ấm, kết hợp cùng các loại trái cây giàu vitamin và đồ ngọt để bổ sung calorie cho cơ thể là lựa chọn tuyệt vời cho bữa sáng của bạn.
Để bảo vệ dạ dày thông qua chế độ ăn uống, cháo được đánh giá là một lựa chọn tuyệt vời cho bữa sáng của gia đình bạn. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Thực đơn chuyên gia gợi ý:
-Cháo hạt sen: Hạt sen chần qua nước nóng, bỏ tâm sen, sau đó nấu cháo, giúp bổ tỳ, kiện vị.
-Cháo gừng: Cho gừng thêm vào món cháo sẽ có tác dụng làm ấm dạ dày, loại bỏ hàn khí.
Thứ hai, bữa cơm càng đơn giản càng tốt
Mỗi bữa ăn, bạn nên để dạ dày tiêu hóa từ 3 đến 4 món là thích hợp. Lượng món ăn này sẽ giúp dạ dày phát huy công năng tốt hơn.
Thói quen ăn một bữa quá nhiều món kỳ thực không làm tăng giá trị dinh dưỡng mà lại gia tăng gánh nặng cho dạ dày.
Cơ thể của chúng ta cần nhất 3 thành phần dinh dưỡng chính là chất béo, protein và tinh bột. Trong số đó, chất béo tốn nhiều thời gian phân giải và tiêu hóa hơn cả.
Vì vậy, khi ăn cơm, bạn nên ăn vừa phải hoặc ăn ít các món nhiều dầu mỡ để tránh đầy bụng, khó tiêu.
Thứ ba, dùng trà dưỡng dạ dày
Nhiều người tin rằng trà xanh là loại thức uống tuyệt vời giúp nâng cao tinh thần, thải độc cơ thể và tốt cho tiêu hóa.
Kỳ thực, công dụng dưỡng sinh của mỗi loại trà không giống nhau, công hiệu với dạ dày cũng có nhiều điểm khác biệt. Vào những ngày thời tiết trở lạnh, bạn nên sử dụng một cốc hồng trà ấm để bảo vệ dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa.
Trong số các loại trà, hồng trà là loại có công dụng dưỡng dạ dày tốt nhất vào những ngày lạnh giá. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Thứ tư, giảm bớt những kích thích có hại
Loại bỏ các chất kích thích hóa học có hại cho dạ dày là điều không thể thiếu để bảo vệ cơ quan này.
Canh thịt nhiều dầu mỡ, rượu mạnh, các món điểm tâm ngọt, các gia vị nặng ( tỏi , hành, hồ tiêu, cà ri, mù tạt…) đều không nên ăn nhiều. Bên cạnh đó, bạn nên dùng những phương pháp chế biến lành mạnh như hầm, luộc, hấp,… để nấu ăn hằng ngày.
*Theo Sina.com
Nguồn: afamily.vn