Đây là cách Nhật Bản chặn đứng "nạn" kháng kháng sinh trong 10 năm: Việt Nam học được gì?
Ngành Y và cộng đồng đang hết sức lo ngại về tình hình kháng kháng sinh tại Việt Nam. Những chủng vi khuẩn kháng kháng sinh lây lan trong cộng đồng có thể làm tăng tỉ lệ tử vong, kéo dài thời gian điều trị. Việc yêu cầu dùng kết hợp nhiều thuốc kháng sinh để điều trị cũng tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ và thiệt hại tài chính cho người bệnh.
Kháng sinh là những loại thuốc dùng để điều trị hoặc phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn . Vi khuẩn bị kháng sinh tiêu diệt hay kìm hãm được gọi là "nhạy với kháng sinh", ngược lại thì được gọi là "kháng kháng sinh".
Cách đây khoảng 10 năm, Nhật Bản cũng phải đối mặt với vấn nạn kháng kháng sinh. Đến nay, tình trạng này đã cải thiện hơn nhờ một số giải pháp ở mức cá nhân, mức cộng đồng lẫn thay đổi trong hệ thống quản lý.
Một số điểm dưới đây thường được cho là liên quan tới sự thay đổi này:
Ở mức độ hệ thống y tế
1. Nhật Bản kiểm soát thuốc kháng sinh rất chặt: Người dân chỉ được mua kháng sinh khi có toa thuốc của bác sĩ, được cấp từ các cơ sở y tế chính thống.
Ảnh minh họa
2. Bảo hiểm tham gia kiểm duyệt kỹ: Thuốc kháng sinh kê ra phải nêu rõ lý do sử dụng kèm theo chẩn đoán rõ ràng; Một số thuốc đặc biệt phải gửi kèm kháng sinh đồ (kết quả nuôi cấy vi khuẩn để kiểm định xem chúng nhạy với kháng sinh nào) hoặc có lời giải trình của bác sĩ điều trị.
3. Nêu rõ trách nhiệm báo cáo của bệnh viện khi có chủng kháng thuốc: Vì vấn đề kháng thuốc là vấn đề của toàn cộng đồng, Sở y tế phải báo cáo thống kê các ca bệnh, khoanh vùng, từ đó đề xuất cách cải thiện. Các bệnh viện và khoa phòng ở Nhật thường hợp tác rất tốt để theo dõi ngược/trace back nơi xuất phát của các bệnh, lùng tìm ra ổ dịch.
4. Giải quyết giảm tải, nằm ghép chung giường.
5. Hạn chế, tiến tới dẹp bỏ vấn nạn kê thuốc ăn tiền hoa hồng từ hãng dược bằng cách tăng lương cơ bản giúp nhân viên y tế đủ sống tốt.
Ở mức độ bệnh viện
1. Một số bệnh viện có Ban kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ phản ứng ngay sau khi nhận tin báo về việc kháng sinh phổ rộng hoặc đặc dụng được chỉ định tại bệnh phòng. Ban này sẽ kích hoạt quá trình tìm hiểu và theo dõi bệnh cảnh lâm sàng, lý do dùng thuốc, đáp ứng điều trị,... qua đó góp ý thêm về cách chọn thuốc, liều lượng và thời gian điều trị thích hợp cho các bác sĩ điều trị.
Ban kiểm soát nhiễm khuẩn nắm rõ bệnh nhân nhiễm khuẩn kháng thuốc nằm ở đâu, đang được cách ly và phòng lây theo cách nào,... để ngăn chặn lây lan tiếp cho người khác. Trong hệ thống bệnh án điện tử, khi mở hồ sơ ra sẽ có tag cảnh báo để nhân viên y tế cẩn trọng hơn.
Trong bệnh viện nơi tôi đang làm việc, lúc đầu nhiều bác sĩ điều trị phản ứng khá gắt và "chảnh" nhưng dần rồi cũng hiểu ra sự cần thiết của hoạt động này vì không phải bác sĩ nào cũng am hiểu đầy đủ về vi khuẩn và kháng sinh.
2. Hạn chế dùng chung đồ dùng y tế giữa các bệnh nhân. Ví dụ trong khoa Hồi sức tích cực (ICU), mỗi giường bệnh đều được trang bị một ống nghe, hộp găng tay... riêng.
Ảnh minh họa
3. Thuê đơn vị vệ sinh chuyên nghiệp, thường xuyên xử lý nơi công cộng với các chất sát khuẩn thích hợp. Các vật dụng như gối, nệm, trên giường bệnh nhân cũng được chọn theo hướng dễ giặt rửa và thay thế định kỳ (ví dụ nệm bọc nilon hoặc da).
4. Song song với việc khuyến khích nhân viên y tế rửa tay, mang các dụng cụ phòng tránh nhiễm khuẩn như găng tay, tạp dề, khẩu trang y tế,… khi cần thiết, bệnh viện còn tổ chức các giờ giảng và bố trị nhiều phương tiện để chăm sóc da tay tại chỗ cho nhân viên y tế vì rửa nhiều gây khô và đau rát tay.
Cần nhấn mạnh rằng việc rửa tay giữ gìn vệ sinh không chỉ giúp bảo vệ bệnh nhân mà còn bảo vệ nhân viên y tế (và cả người thân của họ) khỏi các chủng vi khuẩn độc hại.
5. Khuyến cáo, thậm chí cấm nhân viên y tế đeo "toòng teng" trên người các dụng cụ hay sử dụng "khắp nơi" như băng dán, kéo, dây garo…
Một số nghiên cứu mới đây đã chỉ ra điện thoại di động và các thiết bị di động khác cũng có thể là nguồn lây rất "khủng", trong khi chỉ có 8% - 20% nhân viên y tế thường xuyên lau chùi sát khuẩn dụng cụ của mình!
6. Phát triển phòng lab để thực hiện kháng sinh đồ tốt hơn, qua đó cung cấp thông tin hữu ích giúp chọn thuốc đúng chứ không phải "đánh mù" với kháng sinh phổ rộng trong thời gian dài.
Hầu hết bệnh viện có khoa Dược triển khai TDM - tức phương pháp đo đạc, theo dõi và dự đoán nồng độ trong máu của một số kháng sinh đặc dụng (như Vancomycin) nhằm góp ý cho bác sĩ về liều lượng thuốc thích hợp.
Truyền thông và giáo dục sức khỏe cộng đồng rất mạnh
BS. TS. Phạm Nguyên Quý (BV Đại học Kyoto, Nhật Bản)
Các phương tiện truyền thông ở Nhật rất quan tâm đến nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Vấn đề này cũng thường gây ra làn sóng dư luận mạnh mẽ.
Vì thế, bệnh viện nào mà có nạn dịch/outbreak thì sẽ trở thành tâm điểm của dư luận và hình ảnh, uy tín bị ảnh hưởng lớn.
Ngoài các lớp học hay tập huấn truyền thống, một số trường Đại học còn tổ chức giờ giảng online để các bác sĩ hiểu đúng chỉ định của thuốc kháng sinh.
Việc này giúp tránh/giảm tình trạng dùng kháng sinh phổ rộng từ "tuyến dưới", tới khi bệnh nặng chuyển viện thì "tuyến trên" bắt buộc phải dùng kháng sinh mạnh hơn hay phổ rộng hơn!
Nhiều kênh truyền thông giúp giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân và cộng đồng. Ví dụ: Mắc bệnh cảm (do virus, vốn không cần kháng sinh) thì từ từ sẽ tự khỏi, đừng quá nôn nóng yêu cầu kê thuốc kháng sinh vì lòng tin rằng kháng sinh sẽ giúp nhanh khỏi.
Giáo dục nâng cao nhận thức về giữ gìn vệ sinh chung, bỏ những hành vi "kém văn minh" như khạc nhổ, hắt xì thoải mái hoặc xịt mũi rồi bôi quẹt lung tung…
Kháng kháng sinh là một vấn đề nghiêm trọng của TOÀN CỘNG ĐỒNG. Vì vi khuẩn độc hại sẽ có thể ảnh hưởng đến bản thân mình hoặc người thân của mình, rất cần nhiều ngành nghề và cá nhân cùng chung tay cải thiện hiện trạng.
BS. TS. Phạm Nguyên Quý (BV Đại học Kyoto, Nhật Bản)
Nguồn: afamily.vn