TS Nguyễn Hữu Dũng: Suy thận diễn biến âm thầm rất nguy hiểm, đây là 5 dấu hiệu của bệnh
Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu bệnh nhân suy thận . Trong đó khoảng 26.000 người suy thận mạn tính giai đoạn cuối. Ngoài ra, mỗi năm có thêm gần 8.000 ca bệnh mắc mới. Suy thận do biến chứng của các bệnh chuyển hóa (đái tháo đường, gout) tăng cao trong các năm gần đây.
Diễn biến âm thầm
TS-BS Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, suy thận được chia làm 5 giai đoạn. Ở các giai đoạn từ 1, 2, 3, 4 nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị có thể kéo dài thời gian bảo tồn trong 5 - 10 năm, trì hoãn giai đoạn chạy thận. Nếu bệnh tiến triển đến độ 5 thì phải ghép thận hoặc chạy thận nhân tạo.
Trước đây, nguyên nhân gây suy thận mãn ở Việt Nam chủ yếu là viêm cầu thận mãn. Hiện nay, theo xu thế của các nước phát triển thì nguyên nhân gây suy thận mãn được xác định là do các bệnh chuyển hóa , trong đó có tiểu đường. Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Theo bác sĩ Dũng, nếu như năm 2008 tỷ lệ bệnh nhân phải chạy thận ở khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai là 4% do tiểu đường, năm 2012 lên 8%, hiện nay là khoảng 14%. Dự báo xu hướng sẽ tăng vào các năm tiếp theo ở nhóm bệnh nhân này.
Ngoài ra, bệnh nhân bị tăng huyết áp , viêm cầu thận, các bệnh lý thận khác dẫn đến tình trạng suy thận cũng nhiều. Đặc biệt, tình trạng nhiễm độc do thuốc - trong đó có thói quen tùy tiện dùng thuốc, sử dụng đông dược trộn tân dược… cũng là nguyên nhân gây suy thận. Bởi lẽ, thực tế hầu hết thuốc được thải trừ qua thận.
TS Dũng cho biết, điều đáng nói hiện nay tuổi trung bình phải lọc máu chu kỳ ở Việt Nam là 46-47 tuổi, trong khi tại Pháp năm 1996 là 66 tuổi. Như vậy tuổi này ở Việt Nam được đánh giá là quá trẻ.
Tại Khoa Thận Nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, có những bệnh nhân còn rất trẻ chưa lập gia đình, sinh viên cũng phải gắn chặt với máy chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.
TS Dũng cho biết, đa số bệnh nhân đều đi khám ở các giai đoạn muộn như khi mệt mỏi, sốt, phù thũng bệnh nhân mới đến khám bệnh thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn. Còn các triệu chứng chính bệnh thận thường rất nghèo nàn, khó phát hiện nên bệnh nhân thường chủ quan.
Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng tăng huyết áp và đái đường type 2 là nguyên nhân của 2/3 tổng số các ca suy thận, đặc biệt là suy thận giai đoạn cuối.
(Ảnh minh hoạ)
Béo phì có thể gây tổn hại đến chức năng thận trước khi tiểu đường và tăng huyết áp tác động tiêu cực lên thận và là nguyên nhân chính gây ra bệnh về thận, nên sự quan trọng của tầm soát sức khỏe, sàng lọc đái tháo đường, tăng huyết áp rất quan trọng.
Để phát hiện bệnh sớm nhất, TS Dũng cho biết bệnh nhân cần phải đi xét nghiệm máu định kỳ. Xét nghiệm không hề tồn kém và có thể thực hiện được ở các tuyến cơ sở.
Các dấu hiệu của suy thận
Theo các chuyên gia, để phòng tránh suy thận cần uống đủ nước mỗi ngày; thực hiện chế độ ăn hợp lý và cân bằng để tránh bị tăng trọng lượng và bị thừa cholesterol; hạn chế dùng muối, một yếu tố thúc đẩy tăng huyết áp, các bệnh chuyển hóa khác. Để nhận biết dấu hiệu suy thận, mỗi người nên tự lắng nghe cơ thể mình. Khi thấy các bất thường cần đi kiểm tra ngay.
- Thay đổi khi đi tiểu: những thay đổi như tiểu nhiều vào đêm, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hơn/ít hơn bình thường và nước tiểu có màu nhợt/màu tối, nước tiểu có máu, cảm thấy căng tức hay đi tiểu khó khăn...
- Phù chân tay: Thận bị hỏng không loại bỏ được chất lỏng dư thừa nữa, do vậy chất lỏng tích tụ trong cơ thể khiến bạn bị phù ở chân, cổ chân, bàn chân, mặt...
- Mệt mỏi: Những quả thận khỏe mạnh tạo ra một hormon gọi là erythropoietin, hormon này thông báo cho cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu mang ôxy. Khi thận bị hỏng, chúng tạo ra ít erythropoietin hơn, cơ thể có ít các tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy hơn, nên các cơ và đầu óc của bạn mệt đi nhanh chóng. Tình trạng này được gọi là thiếu máu do suy thận.
- Ngứa: Thận có chức năng loại bỏ các chất cặn bã ra khỏi máu. Khi thận bị suy, sự tích tụ của các chất thải này trong máu có thể gây ngứa ở da.
- Hơi thở có mùi khác: Sự tích tụ của các chất thải trong máu (được gọi là chứng urê huyết) có thể khiến thức ăn có vị khác đi và khiến hơi thở có mùi.
Ngoài ra còn các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau lưng, đau cạnh sườn, ớn lạnh, hoa mắt, chóng mặt cần đi kiểm tra sức khỏe ngay để phát hiện sớm bệnh suy thận.
Nguồn: afamily.vn