Hiến tạng - việc làm nhân văn đem lại cơ hội sống cho nhiều người: Những điều cần biết về hiến tạng và nhận tạng được hiến
Từ những câu chuyện hiến tạng lay động lòng người của bé Hải An…
Kỹ thuật ghép tạng được thực hiện tại Việt Nam trong nhiều năm qua và hàng ngàn người đã được cứu sống bằng cách này. Mặc dù vậy có một thực tế đang diễn ra là nguồn tạng khan hiếm, khiến không ít bệnh nhân mất đi cơ hội sống.
Mãi đến khi xuất hiện trường hợp hiến tặng giác mạc của bé Hải An (7 tuổi, Hà Nội), chúng ta một lần nữa cần nhìn nhận lại việc hiến tạng có ý nghĩa quan trọng thế nào. Câu chuyện về bé Hải An từng khiến hàng triệu trái tim xúc động, là tấm gương để nhiều người hiểu hơn ý nghĩa của việc ghép tạng.
Câu chuyện về bé Hải An từng khiến hàng triệu trái tim xúc động.
Hải An qua đời vì bệnh u thần kinh đệm cầu não lan tỏa. Hình ảnh mẹ ôm Hải An trên giường rồi lắng nghe con thủ thỉ: "Con nhường lại ánh sáng cho bạn khác nhé" khiến bao người còn ám ảnh mãi khi có mặt ngày hôm ấy. Khi công việc kết thúc, người mẹ ngắm con gái và nói "Mẹ tự hào về con". Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng viết: "Món quà này thực sự là một viên ngọc sáng giữa đời. Đôi giác mạc của con nay mai sẽ giúp được 2 người mù lòa có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng. Như vậy, tuy thân thể con rời xa chúng ta nhưng con vẫn tiếp tục được sống thêm một lần nữa, con sẽ vẫn được ngắm nhìn cuộc sống tươi đẹp này".
4 ngày sau khi hiến tặng, giác mạc của bé Hải An được ghép cho 2 bệnh nhân là cụ bà 73 tuổi và bệnh nhân nam 42 tuổi. Hải An đã rời xa chúng ta nhưng cô bé tiếp tục sống thêm một lần nữa, trong cơ thể người khác và cả trong trái tim của bao người.
Nhiều người mong muốn được hiến tạng nhưng lại không nắm rõ quy trình hiến tạng.
Sau tấm gương sáng ấy, nhiều người mong muốn được hiến tạng nhưng lại không nắm rõ quy trình hiến tạng. Làm thế nào để có thể hiến tạng đúng nơi và hiến đúng cho những người cần thật sự? Trước khi hiến tạng cần chú ý điều gì?...
Những ai có thể đăng kí hiến tạng?
Theo ThS.BS Nguyễn Hoàng Phúc (PGĐ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người), tất cả người khỏe mạnh trên 18 tuổi đều có thể đăng ký hiến tạng.
Người hiến tạng khi còn sống có thể hiến một phân lá gan, một phận thận, da, xương.
Với một người chết hoặc chết não có thể hiến các mô, tạng như: 01 quả Tim, 02 lá gan, 02 quả thận, 01tụy, 02 lá phổi, 02 giác mạc, da, xương, gân, sụn…
Không phải ai cũng có thể hiến tạng. BS Phúc cho biết, theo quy định tại điều 5 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì chỉ những người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Như vậy có nghĩa là nếu không đủ các điều kiện trên, sẽ bị nghiêm cấm hiến, lấy và ghép tạng.
Tuy nhiên, người dưới 18 tuổi có thể hiến tạng sau khi rơi vào tình trạng chết não, chỉ cần gia đình xác nhận đồng ý hiến tạng của người thân. Người rơi vào tình trạng sống thực vật không được chấp nhận hiến tạng, trong khi người đã qua đời chỉ có thể hiến giác mạc, các mô tế bào, gân, da, xương. Vì vậy, sau khi bé Hải An qua đời, các bác sỹ đã đến tiếp nhân 2 giác mạc theo nguyện vọng của gia đình bé.
BS Phúc cũng cho biết thêm, việc hiến, lấy, ghép tạng phải tuân thủ quy định tại Điều 11 (Các hành vi bị nghiêm cấm) của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như: Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác; ep buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến…
Quy trình đăng kí hiến tạng rất đơn giản
ThS.BS Nguyễn Hoàng Phúc cho biết, nếu một người muốn đăng ký hiến mô, tạng trước hoặc sau khi chết não, người hiến có thể đến bấy cứ cơ sở y tế nào bày tỏ ý nguyện. Cơ sở y tế đó có trách nhiệm tiếp nhận thông tin và báo về Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người – Bộ Y tế để thông tin đến cơ sở y tế có chức năng phù hợp tiếp nhận đơn đăng ký hiến mô, tạng của người muốn hiến và hoàn tất các thủ tục pháp lý, tư vấn, cấp thẻ đăng ký hiến mô, tạng (hiến sau khi chết), hiến xác cho người đăng ký hiến.
Nếu một người muốn đăng ký hiến mô, tạng trước hoặc sau khi chết não, người hiến có thể đến bấy cứ cơ sở y tế nào bày tỏ ý nguyện.
Chuyên gia cho biết thêm, ngoài cách đó, bạn có thể đến trực tiếp các cơ sở y tế có chức năng lấy, ghép mô, tạng để đăng ký hiến (khi còn sống hoặc sau khi chết): Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Bệnh viện Quân Y 103; Bệnh viện Nhi Trung ương; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện 198 – Bộ Công an; Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng; Bệnh viện Chợ Rẫy; Bệnh viện Nhi đồng 2; Bệnh viện Nhân dân Gia Định; Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh ; Bệnh viện Nhân dân 115; Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.
Với người đăng ký hiến mô, bạn có thể liên hệ trực tiếp một trong các ngân hàng mô sau: Ngân hàng Giác mạc-Bệnh viện Mắt Trung ương; Trung tâm mô, phôi – Đại học Y Hà Nội; Ngân hàng Mô của Bệnh viện Bỏng Lê Hữu Trác; Đại học Y Phạm Ngọc Thạch; Ngân hàng tế bào gốc: Mekophar.
Với người muốn đăng ký hiến xác, bạn có thể liên hệ trực tiếp đến một trong những trường đại học y để đăng ký hiến xác sau: Đại học Y Hà Nội; Đại học Y Thái Nguyên; Đại học Y Thái Bình; Đại học Y Hải Phòng; Học viện Quân Y: Bộ môn Giải phẫu; Đại học Y Huế: Bộ môn Giải phẫu; Đại học Y Tây Nguyên; Đại học Y Cần Thơ: Bộ môn Giải phẫu; Đại học Y dược TP HCM: Bộ môn Giải phẫu; Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Bộ môn giải phẫu.
Nười dưới 18 tuổi có thể hiến tạng sau khi rơi vào tình trạng chết não, chỉ cần gia đình xác nhận đồng ý hiến tạng của người thân.
Ngoài những cách trên, BS Phúc cho biết, bạn có thể liên hệ trực tiếp với Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người – Bộ Y tế (Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia) để được tư vấn, hỗ trợ trực tiếp và điều phối đến cơ sở y tế phù hợp lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức – nơi đầu ngành về ghép tạng của Việt Nam, khi xác định được nguồn tạng hiến, sau một loại chỉ định xét nghiệm, bắt đầu vào giai đoạn lấy tạng, bác sĩ phải đặt các đường ống truyền để bơm dung dịch đặc biệt vào để rửa tạng. Tạng sau khi được lấy ra khỏi cơ thể phải nhanh chóng được rửa và bảo quản trong môi trường được quản lý nghiêm ngặt với dung dịch đặc biệt cũng như đòi hỏi vô trùng, nhiệt độ… Tạng lấy ra được bảo quản trong những máy móc đặc biệt và chỉ trong một khoảng thời gian nhất định sẽ được cấy ghép vào người nhận.
Đây là quá trình không đơn giản nên đòi hỏi sự tham gia của cả ekip
Bài sau: Những bộ phận cơ thể có thể hiến tặng và quá trình lấy, ghép tạng cần đảm bảo những gì?
Nguồn: afamily.vn