Thấy máu trong phân, coi chừng đã mắc ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng được hình thành từ các tế bào lót bên trong của đại tràng và trực tràng, thường là kết quả từ sự phát triển của polyps trong đại tràng. Polyp đại trực tràng thường lành tính nhưng việc chẩn đoán, điều trị và theo dõi rất quan trọng. Những polyp nguy cơ ác tính có thể phát triển thành ung thư sau một khoảng thời gian.
Ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ hai trong các bệnh lý ác tính đường tiêu hóa tại Việt Nam.
Thấy máu trong phân, coi chừng đã mắc ung thư đại trực tràng
Theo thống kê, Việt Nam quốc gia có tỉ lệ ung thư thuộc hàng cao nhất thế giới, với trên 110.000 ca mới phát hiện mỗi năm và khoảng 73% bệnh nhân tử vong (số liệu năm 2013). Trong đó, ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh lý thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao. Tại Việt Nam, loại ung thư này đứng hàng thứ hai trong các bệnh lý ác tính đường tiêu hóa.
Ung thư đại trực tràng bắt nguồn từ các mô đại tràng (phân dài nhất của ruột già) hoặc trực tràng (phần cuối của một giả trước hậu môn), thường là kết quả từ sự phát triển của polyps trong đại tràng. Polyps là sang thương lành tính trong đại trực tràng có thể phát triển thành ung thư sau một khoảng thời gian. Nếu phát hiện ra polyps, chúng cần được loại bỏ.
Khối ung thư đại tràng di căn phúc mạc.
Mặc dù ung thư đại trực tràng thường không có triệu chúng ở giai đoạn sớm, tuy nhiên vẫn có những dấu hiệu cảnh báo như: Thấy máu trong phân; thay đổi trong thói quen đi vệ sinh (đại tiện); đau bụng hoặc khó chịu; sụt giảm số lượng hồng cầu; xuất hiện khối u vùng bụng.
Tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng thường tăng ở những người cao tuổi, người có tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng hoặc polyps đại tràng.
Đáng chú ý, một số thực phẩm có liên quan đến nguy cơ cao phát triển bệnh ung thư đại trực tràng. Ví dụ, thịt được nấu ở nhiệt độ cao, mỡ động vật. thuốc lá, rượu... Chế độ ăn uống ít chất xơ và nhiêu chất béo cũng có thể khiến bạn dễ bị ung thư đại trực tràng.
Ngoài ra, lối sống ít vận động và béo phì là hai yếu tố liên quan làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Những niềm hi vọng mới trong điều trị ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động. Tuy nhiên với tiến bộ của y học hiện nay mang lại cho bệnh nhân nhiều cơ hội được chữa trị.
Ông T.K.J bị ung thư trực tràng, có triệu chứng tắc ruột và di căn gan, được chỉ định phải phẫu thuật gấp. Oái oăm là ngày cưới của con gái ông lại cận kề. Nếu mổ xẻ, ông không thể đủ sức khỏe đến dự ngày trọng đại nhất của con.
Để bệnh nhân có thể hoãn mổ mà không ảnh hưởng đến tính mạng, các bác sĩ (BS) điều trị cho ông J. đã quyết định đặt stent ở trực tràng người đàn ông. Bằng cách này kết hợp 3 tháng hóa trị, ông J. có thể cầm cự trong một thời gian dài, cho đến khi tiến hành cắt trực tràng và khối di căn.
Khối ung thư trực tràng của một bệnh nhân lớn tuổi.
BS Charles Tsang, chuyên gia điều trị ung thư đến từ Singapore tiết lộ, loại stent được đặt cho ông J. có tên là stent kim loại tự bung (SEMS). Đây là loại stent sử dụng để giải quyết tắc nghẽn ống tiêu hóa, hỗ trợ các trường hợp ung thư đã di căn hoặc có nguy cơ cao khi phẫu thuật và đặc biệt là công dụng "trì hoãn mổ".
Stent kim loại tự bung.
Hay trường hợp của ông Nguyễn Trịnh T. (59 tuổi, ngụ TPHCM). Người bệnh thỉnh thoảng đau bụng âm ỉ kèm rối loạn đi tiêu và rối loạn tính chất phân. Trước khi nhập viện 1 ngày, ông đau quặn bụng từng cơn, đau nhiều kèm vã mồ hôi, tiêu lỏng 2 lần. Khi nội soi đại tràng, các BS phát hiện bệnh nhân bị đa polyp đại trực tràng nghi ung thư hóa. Tuy nhiên, vấn đề điều trị gặp thách thức khi bệnh nhân có nhiều bệnh lý nội khoa nặng kèm theo, nguy cơ tai biến chảy máu cao vì người bệnh đang dùng thuốc kháng đông.
ThS BS. Phạm Công Khánh, Phó trưởng khoa Nội soi Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, trước tình hình trên bệnh nhân được điều trị polyp lớn nghi ung thư hóa bằng kỹ thuật cắt niêm mạc qua nội soi đại tràng không cần phẫu thuật.
Một bệnh nhân đang được bác sĩ tại BV ĐHYD nội soi.
Kết quả bệnh lý polyp ở trực tràng là polyp ung thư ở bề mặt được cắt hoàn toàn. Sau đó, ông T. tiếp tục được phẫu thuật cắt đại tràng phải để điều trị ung thư đại tràng ngang. Hiện tại, người bệnh đã bình phục và xuất viện.
Một nữ bệnh nhân khác đã 50 tuổi, được phát hiện ung thư đại tràng phải, di căn phúc mạc, ung thư tuyến thể nhầy, bướu buồng trứng, bướu bàng quang. Tuy nhiên kích cỡ bướu của bệnh nhân quá to không thể mổ ngay. Để giảm kích cỡ bướu, các BS chỉ định hóa trị liệu pháp trúng đích 4 tháng.
Sau hoá trị, bệnh nhân được phẫu thuật một phần và hoá trị trực tiếp tế bào ung thư trong ổ bụng. Người phụ nữ tiếp tục được theo dõi và điều trị hóa trị bằng liệu pháp miễn dịch keytruda.
Nhờ áp dụng phương pháp tiếp cận đa mô thức cho bệnh nhân mà quá trình điều trị đã đạt được kết quả thành công, tế bào ung thư không phát triển thêm và chỉ số dấu ấn ung thư của nữ bệnh nhân trở về ngưỡng bình thường.
Theo BS Charles Tsang, điều trị đa mô thức kết hợp giữa BS phẫu thuật, BS chẩn đoán hình ảnh, BS xạ trị và BS hóa trị là tiêu chuẩn vàng hiện nay để tăng khả năng điều trị ung thư.
Trong khi xạ trị và hóa trị trước đây chỉ là điều trị hỗ trợ thì ngày nay, hóa xạ trị là phương pháp có thể chữa ung thư không cần phẫu thuật hoặc kết hợp hóa xạ giúp kiểm soát mổ tốt hơn. Ngoài ra, chẩn đoán và đánh giá giai đoạn ung thư trước mổ bằng chụp MRI rất quan trọng, để BS đưa ra chiến lược điều trị phù hợp.
Điều trị đa mô thức giúp nhiều bệnh nhân ung thư tăng cơ hội sống.
BS Charles Tsang nhấn mạnh, điều trị đa mô thức giúp bảo toàn cơ thắt, không phải mang hậu môn nhân tạo, và tăng tuổi thọ của bệnh nhân. Tuy nhiên, phương pháp này cũng đòi hỏi trình độ chuyên môn và đội ngũ y bác sĩ có tay nghề cao để thực hiện.
Các BS khuyên người dân nên thay đổi lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế các chất có cồn. Duy trì cơ thể khỏe mạnh, tập thể dục 2-3 lần mỗi tuần để phòng tránh ung thư đại trực tràng.
Nguồn: afamily.vn