Tập gym tốt thật, nhưng có đến 9 tác dụng phụ mà ai cũng có thể gặp phải
Tập gym hay tập thể dục thể thao nói chung đều tốt cho cơ thể. Nó giúp chúng ta rắn rỏi hơn, não bộ minh mẫn hơn, và các cơ quan trong cơ thể hoạt động hiệu quả hơn. Ấy là chưa kể đến lợi ích có thể hình đẹp và làm chậm đi qua trình lão hóa nữa.
Nhưng tập gym đâu chỉ toàn màu hồng. Bên cạnh những lợi ích, tập gym có thể gây ra một số "tác dụng phụ" tương đối khó chịu mà chẳng ai muốn mắc phải đâu.
Dưới đây chính là danh sách những tác dụng không mong muốn khi tập gym, và một số cách để ngăn chúng xảy ra.
1. Xoắn cơ
Lý do: Cơ bắp bị co thắt do hoạt động quá mạnh, do kiệt sức, hoặc do các chất điện giải trong cơ thể bị mất cân bằng.
Nên làm gì: Luôn bổ sung đủ nước trong quá trình tập. Bạn có thể uống nước mát, nhưng phù hợp nhất là các loại nước bổ sung vi chất cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, cần phải thực hiện giãn cơ trước và sau khi tập.
2. Nghẹt mũi, chảy nước mắt
Lý do: Quá trình tập sẽ vô tình làm các mạch máu trong xoang giãn nở hoặc thu hẹp lại. Những người bị viêm xoang hoặc viêm mũi dị ứng cũng gặp phải hiện tượng này.
Nên làm gì: Nên tập luyện trong phòng gym có máy lạnh. Nếu tập ngoài trời, chỉ nên tập ở những nơi thoáng đãng, giàu cây xanh. Cố gắng tránh đường lộ, vì bạn sẽ phải đối mặt với khói bụi.
3. Mẩn ngứa
Lý do: Khi tập luyện, tim sẽ bơm nhiều máu hơn, khiến các mạch máu nở rộng ra. Quá trình này có thể vô tình kích hoạt các dây thần kinh, chuyển đi những tín hiệu gây cảm giác ngứa ngáy đến não bộ.
Nên làm gì: Hãy đi tập đều đặn. Não bộ sẽ quen dần với điều đó, giúp cho cảm giác ngứa ngày không còn nữa. Nếu tập rồi lại nghỉ ngắt quãng giữa các buổi, bạn càng có nguy cơ ngứa dữ dội hơn.
Tuy nhiên nếu như lần tập nào cũng cảm thấy ngứa dữ dội, hãy cân nhắc đi gặp bác sĩ, vì có thể bạn mắc phải chứng " dị ứng với vận động " rất hiếm gặp đấy.
4. Đau bụng "đi cầu"
Lý do: Dao động khi cử động chân có thể cộng hưởng với đường tiêu hóa, và khiến ruột của bạn bị kích thích. Hiện tượng này rất hay xảy ra với các vận động viên chạy bộ.
Nên làm gì: Chỉ nên ăn trước khi tập khoảng 2h đồng hồ, và những bữa ấy tuyệt đối không ăn thực phẩm có chất béo hoặc chất xơ (tức là không được ăn rau đấy).
Ngoài ra trước khi tập, bạn cần phải khởi động. Quá trình khởi động sẽ giúp cơ thể bạn làm quen trước, trong đó có cả hệ tiêu hóa nữa.
5. Buồn nôn
Lý do: Máu đẩy ngược lên từ vùng dạ dày, cộng thêm việc nội tạng bị chấn động khi tập luyện có thể tạo ra cảm giác buồn nôn.
Nên làm gì: Đừng ăn quá nhiều chất xơ vào ngày tập luyện, và không được ăn ngay trước khi tập. Tốt nhất, hãy tự dùng cơ thể để cảm nhận, và ghi nhớ những thực phẩm tạo ra phản ứng ấy.
Khi cảm thấy buồn nôn, nên nghỉ tập một chút, bổ sung nước cho cơ thể, thậm chí là tìm cách nạp thứ gì đó có vị ngọt vào cũng được. Chúng sẽ làm tăng lượng đường trong máu, giúp cảm giác buồn nôn tạm thời bị đẩy lui.
6. Chóng mặt
Lý do: do các hành động đột ngột. Ví dụ: đang tập rất căng thì đột nhiên dừng lại; đang ngồi nghỉ đột nhiên đứng dậy. Ngoài ra, để cơ thể quá nóng cũng gây ra cảm giác này.
Nên làm gì: Khởi động và giãn cơ trước và sau khi tập là quan trọng nhất. Ngoài ra, bạn nên ngồi xuống nếu cảm thấy không ổn, nhằm tránh những chấn thương không đáng có nếu chẳng may bị ngất. Và khi đứng dậy, cũng không nên đứng quá nhanh.
7. Tê ngón chân
Lý do: Cơ bắp tỏa nhiệt quá mạnh có thể khiến chân sưng lên, ngón chân cọ sát với giày, thậm chí gây viêm dây thần kinh.
Nên làm gì: Cử động ngón chân nhiều hơn để giúp máu lưu thông tốt. Và hãy nhớ đi giày đúng size.
8. Thâm tím
Lý do: Chấn thương, ăn uống thiếu chất. Ngoài ra, tập quá mạnh có thể khiến mạch máu bị vỡ, tạo ra các vết bầm tím như vậy.
Nên làm gì: Cẩn thận hơn khi tập, tránh tập quá sức. Nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C. Tốt nhất, bạn cần một chuyên gia thể hình để tư vấn, nhằm tránh những chấn thương không cần thiết khi tập luyện.
9. Đau tức bụng bên
Lý do: Còn gọi là hiện tượng đau bụng ngắn hạn (ETAP) - hiện tượng rất thường xảy ra với những người đã lâu không chạy bộ. Máu chạy mạnh hơn, đi từ nội tạng vào cơ, nhưng không xảy ra đồng đều. Gan và lá lách lúc này sẽ bị quá tải máu, chèn ép vào thành bụng và tạo ra cơn đau.
Nên làm gì: Chạy chậm lại, hoặc dừng lại để nghỉ một chút. Khi chạy hãy cố gắng hít thở đều. Bạn có thể hít thở theo quy tắc sau: Hít vào, ấn nhẹ vào khu vực đau, thả tay rồi nhẹ nhàng thở ra. Cách thở ấy sẽ giúp máu lưu thông nhanh và đều hơn.
Nguồn: Bright Side
Nguồn: afamily.vn