Những cô nàng “ngủ ngày cày đêm”, thường xuyên thức đến 2 giờ sáng liệu đã lường trước được hai tác hại kinh khủng này hay chưa?
Buổi đêm là thời gian mà toàn bộ cơ thể cần được thả lỏng và nghỉ ngơi nhất, thế mà các nàng lại “vô tâm” sử dụng khoảng thời gian này để làm đủ thứ, nào là giải quyết công việc, học hành, rồi “cày” phim, nhắn tin tán gẫu. Thế nhưng, chị em có biết đâu hậu quả để lại từ thói quen xấu này không chỉ là mặt mụn, tinh thần uể oải... mà còn nghiêm trọng hơn thế gấp bội lần?
1. Cuộc sống về đêm dường như thú vị và bình yên hơn ban ngày, hay là mình cứ thức khuya thường xuyên đi?
Có hàng “ti tỉ” lý do mà các nàng dùng để biện hộ cho việc thức khuya, ngủ muộn của mình: Nào là do khối lượng công việc và học tập quá bộn bề, phải dùng cả thời gian buổi đêm để hoàn thành; những suy nghĩ lo lắng và sự bất an trong cuộc sống; sử dụng các chất kích thích thần kinh hoặc các chất chứa nhiều cocaine, caffeine.
Bên cạnh đó, nhiều chị em cũng không ngại chia sẻ rằng: “Chỉ có thời gian buổi đêm mới phù hợp để tôi nhớ về người yêu cũ và những kỉ niệm quá khứ”, “Tôi chẳng ngủ được nên thường đánh thức cả cô bạn cùng phòng dậy tâm sự đêm khuya cùng tôi”, “Thời gian buổi đêm thật tuyệt và lý tưởng để cày phim, uống soda và thả trôi suy nghĩ của ban ngày”.
"Tôi thích cảm giác nhắn tin với "người ấy" vào buổi đêm, có thể là cả đêm rồi đến sáng luôn, hoặc là xem Netflix giết thời gian cũng được!"
Thực sự thì, cho dù bạn có biện minh cho việc thức khuya, ngủ muộn của bạn bằng bất cứ lý do gì đi chăng nữa thì đây cũng là thói quen xấu để lại nhiều tác hại vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng của bạn.
Sinh hoạt vô lối, thức khuya làm đồng hồ sinh học bị nhiễu loạn nghiêm trọng, lâu dần sẽ làm suy nhược cơ thể, trở thành “gốc rễ” của rất nhiều căn bệnh nguy hiểm như xơ vữa động mạch, béo phì, tiểu đường, huyết áp, nhồi máu cơ tim, đau dạ dày, đồng thời làm tăng hàm lượng mỡ trong máu một cách đột biến…
Không những vậy, thức khuya còn là tác nhân làm giảm sự tập trung và năng suất công việc, học tập do cơ thể mệt mỏi khi thiếu ngủ, não bộ không được "bơm" đủ khí oxy
Những giấc ngủ thiếu điều độ cũng gây ra biểu hiện trí nhớ suy giảm dần, đặc biệt ở lứa tuổi trung niên hết sức nhạy cảm về sức khỏe tâm lý. Ngoài ra, đối với chị em phụ nữ thì thói quen thức khuya thực sự là kẻ thù “không đội trời chung” bởi nó sẽ thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa, da xỉn màu, chóng nhăn và nhiều mụn, mắt thâm quầng, rụng tóc...
2. Đột quỵ và ung thư chẳng bắt nguồn từ đâu xa vời mà từ chính những đêm trùm chăn cày phim đến tận 1h sáng
Chị em vẫn thường “tặc lưỡi cho qua” với những đêm làm việc muộn hay cố thức để xem nốt bộ phim yêu thích. Thế nhưng, tác động xấu của thói quen thức khuya không chỉ dừng lại ở những biểu hiện bệnh thông thường hay sự giảm sút trong chất lượng công việc, học tập mà còn là “con dao” cướp đi mạng sống của chúng ta, dẫn đến đột quỵ và ung thư, tỉ lệ gây tử vong cao.
Thức khuya được các nhà nghiên cứu khoa học Nhật Bản gọi là “lưỡi hái tử thần” bởi những biến chứng đột ngột và trầm trọng của nó lên sức khỏe, thậm chí là mạng sống của con người. Nhiều người chủ quan cho rằng giấc ngủ có trọn vẹn hay không, giờ đi ngủ và giờ thức dậy như thế nào cũng không quá quan trọng. Nhưng ngược lại, thức khuya hay những giấc ngủ không đúng khoa học chính là con đường ngắn nhất dẫn đến căn bệnh ung thư “vô phương cứu chữa” và những cơn đột quỵ dẫn đến tử vong, đặc biệt ở độ tuổi 25-35.
Những cơn đột quỵ và căn bệnh ung thư cũng nguy cơ cao bắt nguồn từ những đêm thức muộn của bạn
Giáo sư Francesco Cappuccio thuộc ĐH Warwick đưa ra kết luận việc thiếu ngủ dễ gây đột quỵ, bệnh tim mạch sau khi tiến hành nghiên cứu của mình. Theo ông, việc thức quá muộn, ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm và giấc ngủ bị xáo trộn thì bạn có tới 48% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và 15% nguy cơ tử vong vì một cơn đột quỵ.
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, những người thường xuyên ngủ ít hơn 6 giờ/đêm có nguy cơ đột quỵ cao hơn 4,5 lần so với những người ngủ 7 - 8 giờ.
Nói đến giấc ngủ và ung thư, GS Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch hội Ung thư Việt Nam cảnh báo rằng cơ thể con người một đồng hồ sinh học kỳ diệu theo chu kỳ ánh sáng – bóng tối của trái đất.
Năm 2001, các nhà nghiên cứu của Đại học Y khoa Harvard đã báo cáo là các điều dưỡng làm việc ca kíp về đêm dường như "có tăng vừa phải 30% nguy cơ ung thư vú" do hocmôn mêlatônin bị suy giảm.
3. Tắt điện thoại, tạm đóng mọi tài liệu công việc và lên giường đi ngủ thật đúng giờ từ hôm nay - Tại sao không?
Để ngăn ngừa các triệu chứng của đột quỵ, ung thư do thức khuya, trước hết, chị em phải nắm rõ đồng hồ sinh học của các bộ phận trên cơ thể để “thấu hiểu” chính bản thân mình:
- 21h - 23h: Là thời gian hệ miễn dịch (bạch cầu lymph) đào thải chất độc. Bạn nên ở trong trạng thái thư giãn nhất bằng cách nghe nhạc nhẹ.
- 23h - 1h sáng: Là thời gian bài độc của gan, cần ở trong trạng thái ngủ say.
- 1h sáng - 3h sáng: Là thời gian mật bài độc, cần ở trong trạng thái ngủ say.
Trong đó, khoảng thời gian từ 1h sáng - 4h sáng là lúc mà tủy sống tạo máu, nếu bạn không ngủ trong khoảng thời gian này thì nguy cơ bị các bệnh về tim mạch, não bộ sẽ tăng cao đột biến, gây ảnh hưởng thần kinh, suy nhược cơ thể, dễ dẫn đến đột quỵ và ung thư.
Từ hôm nay, hãy "vặn lại" chiếc đồng hồ sinh học của giấc ngủ để đẩy lùi những căn bệnh hết sức nguy hiểm đang rình rập
Chính vì vậy, để có một cơ thể tràn đầy sức khỏe, tránh khỏi những căn bệnh trầm trọng như đột quỵ và ung thư, ngay từ bây giờ, chị em hãy tập cho mình một lối sống lành mạnh và khoa học, điều chỉnh đồng hồ sinh học đúng chuẩn nhất cho chính bản thân mình và những người thân xung quanh.
Một số phương pháp tránh thức khuya - đi ngược chiều với đồng hồ sinh học:
- Tập thói quen ngủ trước 11h và dậy sớm vào 6h sáng hôm sau, tập thể dục và bắt đầu một ngày mới thật khoan khoái. - Vào mùa đông, ngâm chân với nước gừng nóng và muối loãng trước khi đi ngủ sẽ làm bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn, đồng thời ngủ sâu hơn.
- Uống một ly sữa ấm (tốt nhất là sữa bột tách kem) trước giờ ngủ 1 giờ đồng hồ để cân bằng dinh dưỡng trong ngày và khiến giấc ngủ của bạn được “êm ái” hơn. Đồng thời, bạn hãy nhớ hạn chế uống cà phê và trà pha đặc vào buổi tối.
- Thay đổi chế độ ăn uống, đặc biệt vào buổi tối để không gây mất ngủ.
- Sắp xếp công việc, học tập thật hợp lý, cân bằng thời gian biểu để đảm bảo giấc ngủ.
- Nếu cảm thấy trằn trọc, khó ngủ, hãy đọc một vài trang sách yêu thích, nghe một bản nhạc du dương, nhẹ nhàng và tự thả lỏng, thư giãn bản thân.
Ngay từ hôm nay, hãy nói lời “chia tay” với giấc ngủ khuya gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tránh xa những cơn đột quỵ bất ngờ, căn bệnh ung thư đau đớn và tập quen với lối sống khoa học, điều độ, chăm sóc bản thân nhiều hơn nữa.
Nguồn: Gurl.com
Nguồn: afamily.vn