Tin Tức Mới

Cấy ghép tử cung, sinh con và ước mơ lớn nhất trong đời người chuyển giới - Phần 1

Khi Caleb Wilvich đọc bản tin về người phụ nữ đầu tiên ở Hoa Kỳ sinh con nhờ cấy ghép tử cung , cô cực kì phấn khích. Wilvich luôn muốn sinh con, nhưng cô là một người không có tử cung, thực ra là chưa bao giờ có.

Vào thời điểm Wilvich sinh ra, người ta nghĩ cô là một bé trai. Nhưng càng lớn lên, Wilvich càng nhận ra mình có thiên hướng nữ tính. Cô nhận mình là một người không xác định được giới và nghiêng về phía nữ nhiều hơn.

Cho tới năm 29 tuổi, Wilvich vẫn bối rối về vấn đề giới tính của mình. “Thật khó để mô tả cho một người bình thường”, cô nói. Tạo hóa đã cho cô một thân hình đàn ông, nhưng cô không thể sống trong hình hài này một cách thoải mái.

Từ trước tuổi dậy thì, tôi đã ước mình có khả năng búng tay một cái rồi biến ngay thành một người phụ nữ”, Wilvich chia sẻ.

Đứa bé đầu tiên được sinh thành công từ tử cung cấy ghép tại Mỹ

Hiện tại, Wilvich đang sống tại ngoại ô Seattle và làm việc như một nhân viên văn phòng. Ngoài thời gian rảnh, cô chơi piano và là một ca sĩ capella. Quá trình chuyển giới của Wilvich mới chỉ bắt đầu từ vài năm trước, bằng việc thử mặc quần áo nữ tính hơn tại nơi làm việc và thay đổi cách xưng hô.

Đó thường là điều đầu tiên mà một người chuyển giới có thể làm được. Sau đó, họ sẽ tiến tới phẫu thuật thẩm mỹ, sử dụng liệu pháp hooc-môn, tạo hình lại cơ thể và thậm chí là cả cơ quan sinh dục.

Nhưng, cái đích cuối cùng là gì? Một hình mẫu phụ nữ lý tưởng trong mắt của những người chuyển giới không phải là tất cả thân hình đẹp đẽ bên ngoài. Mà đó là một thứ thiêng liêng hơn - thiên chức được mang thai, sinh con và làm mẹ.

Mỗi khi tưởng tượng về điều đó, tôi đều bị xúc động mạnh”, Wilvich chia sẻ. Cô khao khát cảm giác mang một bào thai lớn dần trong bụng mình, trải qua những khó nhọc trong thời gian ấy, cả nỗi đau và niềm sung sướng khi đứa bé chào đời và có mặt trên thế giới này.

Rất nhiều phụ nữ chuyển giới chia sẻ chung một ước muốn với Wilvich, họ cũng muốn sinh con. Và đó không chỉ là một ước muốn thông thường như mặc quần áo hay phẫu thuật thẩm mỹ, nó mang tính chất quyết định tới ước mơ lớn nhất trong đời của họ: Kiện toàn việc chuyển giới.

Để có thể thực sự trở thành một người phụ nữ, dù cho họ để tóc dài, ăn mặc như phụ nữ, trang điểm, thậm chí phẫu thuật chuyển giới, rồi tất cả sẽ đều dồn lại tại một câu hỏi: Liệu cô có sinh con được không?

Cấy ghép tử cung là lựa chọn đầu tiên có thể giúp phụ nữ chuyển giới trả lời được câu hỏi này. Nhưng tương lai của loại hình phẫu thuật mới mẻ này còn chưa được quyết định với người chuyển giới. Các bác sĩ tâm thần, bác sĩ phẫu thuật, công ty bảo hiểm là những người gác cổng vào giấc mơ của phụ nữ chuyển giới. Đối với họ, để có một tử cung cấy ghép không phải chuyện dễ dàng gì.

Có lẽ họ sẽ không bao giờ để người chuyển giới làm điều đó”, Wilvich nói. Ngay cả khi pháp luật và y học cho phép họ thực hiện, không phải người chuyển giới nào cũng có thể muốn là có được tử cung cấy ghép.

Wilvich nhấn mạnh đến một trong những câu hỏi lớn nhất mà người chuyển giới phải đối mặt nếu muốn cấy ghép tử cung trong tương lai: Ai là người có điều kiện làm điều đó?

Ngay tại thời điểm này, bảo hiểm không chi trả cho các loại hình phẫu thuật giới tính. Không ai biết hiện nay có bao nhiêu người muốn phẫu thuật chuyển giới mà không thể. Đó là những điều nằm ngoài những kì diệu mà khoa học công nghệ của y học có thể giải quyết được.

Cảm giác mang một bào thai lớn dần trong bụng mình là niềm khao khát của nhiều người chuyển giới

Cấy ghép tử cung để mang thai và sinh con

Cấy ghép tử cung cho đến nay vẫn còn là một kỹ thuật rất mới mẻ. Để hình dung, em bé đầu tiên trên thế giới ra đời từ một người mẹ có tử cung cấp ghép, là tại Thụy Điển năm 2014. Còn trong ít nhất 10 đến 20 năm trở lại đây, vương miện “ngôi sao” trong lĩnh vực công nghệ sinh sản vẫn được trao cho kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (IVF).

IVF đã trở nên cực kỳ phổ biến và chưa có gì có thể soán ngôi được. Chỉ riêng tại Mỹ năm 2015, đã có khoảng 210.000 phụ nữ thực hiện kỹ thuật này, những người gặp khó khăn trong việc thụ thai theo cách thông thường.

Trong kỹ thuật IVF, các bác sĩ sẽ lấy trứng từ buồng trứng của một người phụ nữ, thụ tinh cho nó trong phòng thí nghiệm rồi cấy phôi sau thụ tinh trở lại một tử cung khỏe mạnh.

Thủ thuật IVF không phải không tốn kém. Một đợt thụ tinh ống nghiệm có thể mất từ 12.000 – 35.000 USD (tương đương 273 triệu- 795 triệu VNĐ), tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, mức giá vẫn rất hấp dẫn với những người phụ nữ hiến muộn do rối loạn rụng trứng, u xơ tử cung hay vô sinh không thể giải thích.

Ngay cả những cặp vợ chồng đồng tính nữ cũng có thể sử dụng IVF, để mang thai nhờ tinh trùng hiến tặng. Đối với cặp đồng tính nam, họ có thể có con khi nhờ một người phụ nữ mang thai hộ. Ngoài ra, các nhà khoa học đang tìm cách tạo ra phôi sử dụng gen di truyền từ hai người mẹ một người cha, hoặc hai người cha một người mẹ. Những cơ hội này có thể sớm xuất hiện trong vòng vài năm nữa.

Mặc dù xu thế IVF lên ngôi và có thể giải quyết phần lớn những nhu cầu của mọi giới tính, cấy ghép tử cung vẫn được cả những người phụ nữ và phụ nữ chuyển giới mong đợi.

Đáp lại nhu cầu này, trong ít năm tới, hoạt động thử nghiệm ghép tử cung có thể được mở rộng ra với nhiều đối tượng hơn, trước hết là những phụ nữ có tử cung bị khuyết tật hoặc sinh ra mà hoàn toàn không có nó.

Các thủ tục ghép tử cung ngày nay đang được thực hiện cả từ người hiến tạng còn sống lẫn đã chết. Sau khi tử cung được ghép xong vào cơ thể người nhận, bác sĩ sẽ lại thực hiện thụ tinh ống nghiệm để giúp họ mang thai.

Quy trình phẫu thuật cấy ghép tử cung và sinh con

Cũng phải nói ghép tử cung là một thủ tục phẫu thuật xâm lấn và vẫn còn mang tính thử nghiệm. Cả người nhận lẫn người hiến đều phải trải qua những lần phẫu thuật có rủi ro cao. Người nhận tử cung sẽ phải uống thuốc chống đào thải suốt đời, hoặc ít nhất là tới chừng nào họ muốn giữ tử cung trong người để tiếp tục sinh con được.

Ghép tử cung là một trong số rất ít các thủ tục ghép tạng không nhằm mục đích cứu sống bệnh nhân, đồng thời không cần thiết giữ tạng ghép suốt đời. Tử cung được cấy ghép có thể được sử dụng cho 1-2 lần mang thai, sau đó được lấy ra khỏi cơ thể khi người phụ nữ không có nhu cầu sinh con nữa.

Đôi khi, tử cung cấy ghép bị cơ thể từ chối một cách mạnh mẽ. Và tất cả các lần sinh con sử dụng tử cung nhân tạo đều có nguy cơ cao. Bởi vậy, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, rằng liệu cấy ghép tử cung có thực sự cần thiết hay không?

Vấn đề còn liên quan đến cả đạo đức y khoa. Một ca cấy ghép tử cung có thể đặt một, thậm chí hai người phụ nữ đang khỏe mạnh vào các nguy cơ biến chứng khi họ cho và nhận tạng ghép. Đứa bé được nuôi dưỡng sau này trong tử cung ghép cũng có nguy cơ tử vong cao.

Chính vì vậy trong một khảo sát hơn 400 bác sĩ sản phụ khoa, gần 1 phần 3 đã nói cấy ghép tử cung là phi đạo đức.

Các khía cạnh đạo đức không chỉ dừng lại xung quanh nguy cơ sức khỏe của bà mẹ và đứa trẻ của tương lai. Một số người lo ngại rằng những người phụ nữ hiến muộn sẽ bị ép cấy tử cung, do áp lực từ phía người chồng hoặc gia đình.

Tử cung cũng có thể sẽ trở thành một mặt hàng mua bán trên chợ đen, bởi một người phụ nữ thực sự có thể sống khỏe mà không cần đến tử cung. Thúc đẩy nguy cơ này xảy ra là mức giá của ca cấy ghép, lên tới 300.000 – 500.000 USD (tương đương 6,8 – 11,4 tỷ VNĐ).

Luật pháp quốc tế hiện nay đều nghiêm cấm việc mua bán nội tạng. Việc điều phối nội tạng hiến tặng, sắp xếp danh sách bệnh nhân ưu tiên hiện nay đang được thực hiện rất khắt khe. Tuy nhiên, trong tất cả các danh sách nội tạng hiến tặng,chưa có tử cung, bởi kỹ thuật này còn cực kỳ mới.

Tham khảo Futurism


Nguồn: afamily.vn
Được tạo bởi Blogger.