Dù bạn khỏe mạnh nhưng nếu duy trì thói quen này bạn sẽ có nguy cơ bị ung thư cao hơn 10%
Một nghiên cứu mới ở Mỹ cho thấy kiểm soát trọng lượng cơ thể không tăng cân chưa hẳn đã giúp chống lại bệnh ung thư liên quan đến béo phì. Nghiên cứu chỉ ra rằng ngay cả phụ nữ mảnh mai vẫn có nguy cơ bị ung thư nếu họ thường xuyên ăn các thức ăn chế biến sẵn.
Phụ nữ thường xuyên ăn thức ăn vặt làm tăng nguy cơ ung thư lên tới 10%.
Ung thư do béo phì bao gồm những căn bệnh ung thư ảnh hưởng đến vú, ruột, tử cung, thực quản, tuyến tụy, thận, gan, túi mật, buồng trứng và tuyến giáp.
Nghiên cứu cho thấy phụ nữ ăn một chế độ ăn uống với tỉ trọng năng lượng (DED) cao sẽ làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh ung thư do béo phì lên tới 10%. Điều đáng nói là yếu tố này không liên quan đến cân nặng cơ thể, tức là dù ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn nhưng vẫn gầy thì chị em vẫn có nguy cơ bị các bệnh ung thư liên quan đến béo phì.
Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy, thói quen ăn các loại thực phẩm chế biến như bánh mì kẹp thịt và bánh pizza làm cho chúng ta dễ bị thừa cân, từ đó nguy cơ bị ung thư cũng tăng lên. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây được đăng trên Tạp chí Academy of Nutrition and Dietetics cho thấy những thực phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp, năng lượng cao đã làm tăng nguy cơ ung thư ở phụ nữ lên đến 10% ngay cả khi họ có trọng lượng bình thường và ăn nhiều nhưng không béo.
Các loại thực phẩm chế biến như bánh mì kẹp thịt và bánh pizza làm cho chúng ta dễ bị thừa cân.
Nghiên cứu đã sử dụng số liệu từ 90.000 phụ nữ mãn kinh ở Mỹ. Các nhà nghiên cứu đã đánh giá chế độ ăn uống của họ và chẩn đoán ung thư mà họ có thể mắc phải. Cynthia Thomson của Đại học Arizona là nhà nghiên cứu chính trong cuộc nghiên cứu này. Bà cho biết: Kết quả chứng minh phụ nữ có cân nặng bình thường cũng có liên quan đến nguy cơ ung thư béo phì là điều rất mới và đi ngược với quan niệm trước đây của chúng ta. Phát hiện này cho thấy, chỉ giữ cân nặng khỏe mạnh thôi vẫn chưa đủ để chống lại các bệnh ung thư do béo phì gây ra. Điều này có nghĩa là thực phẩm chế biến sẵn như pizza cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư ở phụ nữ mặc dù họ rất gầy vì chúng là nhóm thực phẩm có năng lượng cao".
Nghiên cứu tập trung vào các loại thực phẩm có chỉ số DED cao như bánh quy, bánh kẹo, thực phẩm chế biến sẵn.
DED là thước đo chất lượng thực phẩm và mối quan hệ giữa lượng calo và chất dinh dưỡng. Thực phẩm càng nhiều calo thì chỉ số DED càng cao.
Các thực phẩm nguyên chất như rau, trái cây, protein nạc và đậu - được xem là thực phẩm có hàm lượng DED thấp vì chúng cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng và ít calo.
Chất xơ trong thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt và khoai tây nguyên vỏ cũng có thể giúp giảm mật độ năng lượng.
Trước đây, chúng ta vẫn tin rằng những người ăn thực phẩm chế biến sẵn và béo phì có nguy cơ ung thư cao hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận: Mặc dù việc hạn chế thức ăn có tỉ trọng năng lượng cao có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý trọng lượng cơ thể, nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy tăng cân không phải là yếu tố chịu trách nhiệm duy nhất cho sự gia tăng nguy cơ ung thư ở những phụ nữ có cân nặng bình thường.
Họ nghi ngờ rằng những phụ nữ bình thường ăn thức ăn có chỉ số DED cao có thể gây ra rối loạn chuyển hóa - một tác nhân được biết là làm tăng nguy cơ ung thư.
Ước tính có khoảng 30% bệnh ung thư có thể được ngăn ngừa thông qua việc thay đổi chế độ ăn uống (Hình ảnh: Getty)
Nghiên cứu không nhắc đến yếu tố thanh niên hoặc nam giới nhưng các dữ liệu cũng được coi là có tính chất khuyến cáo bạn nên lựa chọn thực phẩm có chỉ số DED thấp mặc dù bạn có chỉ số cơ thể BMI khỏe mạnh.
Giáo sư Thomson nói thêm: Điều quan trọng là DED là một yếu tố rủi ro có thể điều chỉnh được. Lưu ý đến chế độ dinh dưỡng và tránh các thực phẩm giàu năng lượng cũng như tiếp cận các biện pháp chẩn đoán sớm ung thư có thể giảm gánh nặng bệnh ung thư ở phụ nữ sau mãn kinh. Ước tính khoảng 30% bệnh ung thư có thể được ngăn chặn thông qua việc thay đổi chế độ ăn uống.
Theo Mirror
Nguồn: afamily.vn